Tôn giáo Tây Tạng là một truyền thống cổ xưa, kết hợp những hình thái đặc biệt của Phật giáo Đại Thừa và các tín ngưỡng bản địa.
Nhắc đến truyền thống này mọi người thường nghĩ ngay đến một từ duy nhất: Mật Tông. Nhưng Tây Tạng không phải chỉ có Mật Tông.
T. Lobsang Rampa, một người Anh tên thật là Cyril Hoskin đã qua đời năm 1981, là một tu sĩ Phật giáo Tây Tạng đích thực, trải qua phần lớn cuộc đời mình tại đất nước linh thiêng này và như chính lời ông tường thuật một cách giản dị, ông đã được khai mở “huệ nhãn” (con mắt thứ ba). Theo Rampa, trong truyền thống Phật giáo, một hành giả thiền định lâu năm có thể sở đắc một trong 5 loại thần lực (ngũ thông) có tên gọi là “thiên nhãn thông.” “Thiên nhãn” hay “huệ nhãn” là khả năng nhìn thấu suốt vào thực tướng của sự vật, nhìn thấy sự thể “như nó là” (yathabhutam), không còn bị những hình bóng ảo giác của sự vật chi phối quay cuồng theo điệu vũ của tham, sân, si.
Theo sự trình bày của Rampa, kinh sách Phật giáo Tây Tạng rất nhiều và một số mật điển chỉ dạy riêng cho những người thụ pháp trong tu viện nên không ai được biết. Có lẽ vì thế những điều ông trình bày trong cuốn sách này có một giá trị tham khảo đặc biệt. Ví dụ Rampa kể rằng những đau khổ mà chúng ta gánh chịu trong cuộc sống không hẳn là do chúng ta đã làm nhiều việc ác trong kiếp trước. Đôi khi đó chỉ là sự thử thách để khiến chúng ta trở nên hoàn thiện hơn trong cuộc sống tái sinh. Luân hồi không nhằm đạt đến cứu cánh tối hậu là Niết Bàn mà để giúp con người phát triển tuệ trí của mình.
Tác phẩm Huệ nhãn của Lạt Ma (Công ty cổ phần văn hóa Văn Lang liên kết với NXB Hồng Đức ấn hành) của Rampa được viết theo thể loại tự thuật “theo dòng cuộc sống” nên rất sinh động. Ngoài phần trình bày triết lý và niềm tin của những Phật tử Tây Tạng, chúng ta còn được biết thêm những chi tiết sinh động và thú vị liên quan đến việc tu tập và sinh hoạt trong các tu viện. Đặc biệt nhất là việc tác giả trình bày việc tập bay trên những “Tàu lượn.” Tin hay không là tùy bạn, hãy xem đây là một tài liệu tham khảo về Tây Tạng trước khi chúng ta đưa ra những phán đoán vội vã.
Ngoài một vài chi tiết không mấy quan trọng, bản dịch khá mượt mà, chuẩn xác, đọc rất hấp dẫn, xứng đáng là một tài liệu bổ sung vào thư mục sách viết về Tây Tạng vốn khá mỏng hiện nay.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.